Các tờ báo New York Times, Bloomberg… đều dành bài viết khá dài để giới thiệu về không khí lễ hội và những cảm xúc người dân dành cho Hà Nội trong dịp Đại lễ 1.000 năm.



Bloomberg
Ngày 10/10/2010, Hà Nội kỷ niệm một nghìn năm kể từ lần đầu tiên được chọn làm thủ đô. Dịp Đại lễ chính là cơ hội để thể hiện sức mạnh kinh tế của đất nước này sau hàng thập kỷ bị tàn phá bởi chiến tranh. Một cuộc diễu hành gồm 31.000 người tham gia, trong đó có Quân đội Nhân dân Việt Nam, diễn ra vào sáng chủ nhật tại Quảng trường Ba Đình - nơi Bác Hồ từng đọc bản tuyên ngôn độc lập năm 1945. Hôm thứ sáu 8/10, thành phố tuyên bố đã dừng kế hoạch bắn pháo hoa tại 29 điểm và lấy toàn bộ tố tiền này để ủng hộ nạn nhân lũ lụt miền Trung.

Đại lễ 1.000 năm trên báo nước ngoài 21B66CE9DA17BA6C8A64A0F0EBA3B261
Hình ảnh trong ngày lễ khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (1/10). (Ảnh: AP)

“Hà Nội đang trên đường trở thành một thành phố thực sự hiện đại”, Peter Ryder - giám đốc quản lý của Indochina Capital và sống ở Hà Nội từ năm 1992 - chia sẻ.

Một trong những công trình chào mừng Đại lễ là “Con đường gốm sứ” của Hà Nội cũng đã được tổ chức Guinness công nhận đạt kỷ lục thế giới.

Thực tế, thu nhập tính theo đầu người của Việt Nam (1.068 đô-la Mỹ) đã tăng hơn năm lần so với 15 năm trước (số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế). Năm 1993, Việt Nam là nước nghèo thứ năm thế giới tính theo thu nhập bình quân đầu người sau Mozambique, Tanzania, Ethiopia và Sierra Leone (thống kê của Ngân hàng Thế giới). Cho tới trước năm 2009, Việt Nam đã vươn lên, xếp trên 36 nước khác.

CS Monitor

Hà Nội đã được chọn làm kinh đô nước Việt năm 1010. Ngày 10/10 cũng chính là ngày Giải phóng thủ đô khỏi ách thống trị của thực dân Pháp. 10/10/10 không chỉ là một dãy số đẹp mà khi nhân lên, nó bằng đúng một nghìn năm.

Trong tuần Đại lễ này, lần đầu tiên, quan chức chính phủ Việt Nam cho phép người dân tham quan một số hiện vật khai quật được ở Hoàng thành Thăng Long. Khu khảo cổ này được phát hiện năm 2002 và đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới mùa hè vừa qua với những hiện vật có niên đại từ thế kỷ 18.

Zan-Hee Oh, nhân viên dự án của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, cho biết: “Hoàng thành chứng tỏ tuổi đời đích thực một nghìn năm của Hà Nội. Công trình này khởi công từ nhiều thế kỷ trước và nó được xem như một minh chứng lịch sử dễ hiểu và dễ tiếp nhận với đa phần du khách”.

Đại lễ 1.000 năm trên báo nước ngoài 78B8EA1522B28918382D378F6315E97F
Cờ đỏ sao vàng rực rỡ trong cả những con ngõ nhỏ. (Ảnh: New York Times)

New York Times

Một đoạn điệp khúc tưởng chừng như bất tận vang lên từ chiếc loa phường: “Hà Nội, Hà Nội, Hà Nội” và dưới vỉa hè, Nguyễn Thị Thúy đang bận rộn với việc bán những mảnh đề can hình trái tim màu đỏ in ngôi sao vàng của quốc kỳ Việt Nam. “Tôi đã đợi ngày này từ rất lâu rồi”, cô sinh viên 20 tuổi với một bên má dán hình trái tim đỏ ngôi sao vàng, hào hứng cho biết. “Ngày này ngàn năm mới có một lần thôi”.

Với màn diễu hành và hòa nhạc hoành tráng, Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long vào chủ nhật 10/10/2010. Và cuộc sống hối hả ở thành phố này dường như đã tạm lắng lại để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm trọng đại.

Đại lễ 1.000 năm trên báo nước ngoài 05EDAAEADDAC9C715E30B1E94E0EBF03
Những người trẻ với chiếc áo in dòng chữ: "Tôi yêu Hà Nội". (Ảnh: New York Times)

Điều thú vị là Hà Nội có vẻ như thành công hơn nhiều nước châu Á khác khi xét về mặt cảnh quan đô thị - kết hợp được những nét hiện đại và cổ xưa. Hà Nội còn có rất nhiều bóng cây râm mát và những vỉa hè rộng thoáng. Khu phố cổ vốn rất tập nập với nhiều du khách, việc buôn bán… vẫn lưu giữ được nhiều nét xưa.

Lawrie Wilson - chuyên gia về quy hoạch đô thị, người đã làm việc ở Việt Nam từ đầu những năm 1990 - nhận xét: “Tôi cực kỳ tin tưởng rằng mọi thứ diễn ra ở khu trung tâm Hà Nội đều theo chiều hướng đúng đắn. Tôi cảm thấy hài lòng mỗi khi dạo bước trên đường phố nơi đây”.

Hải Linh
Tổng hợp