Trước mắt, từ nay đến hết năm 2010 sẽ tạm dừng cấp phép mới các trò chơi trực tuyến (game online) trong khi chờ quy chế mới về quản lý trò chơi được ban hành; tạm dừng quảng cáo trò chơi trực tuyến trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet dừng cung cấp đường truyền cho các đại lý Internet sau giờ đóng cửa theo quy định của chính quyền địa phương.
Từ nay đến hết 2010 sẽ không có GO mới về Việt Nam.
Đó là kết luận của Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp sau khi nghe Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử báo cáo tổng thể công tác quản lý nhà nước về thực trạng và đề xuất chính sách quản lý đối với dịch vụ trò chơi trực tuyến. Ông Lưu Vũ Hải, cục trưởng Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, cho biết như vậy sau cuộc họp chiều 27-7.
Tại cuộc họp này, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng cần có hai nhóm giải pháp để quản lý trò chơi trực tuyến. Theo đó, trước mắt sẽ thực hiện các giải pháp tình thế như nêu trên. Về vấn đề yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet dừng cung cấp đường truyền cho các đại lý Internet sau giờ đóng cửa theo quy định của chính quyền địa phương, ông Hải lý giải nghị định 97 đã giao cho chính quyền địa phương quy định giờ đóng, mở cửa của các đại lý Internet và hầu hết các địa phương đều đã quy định từ 23g đến 6g sáng.
Trò chơi không trực tuyến (offline) cũng sẽ bị quản lý.
Ông Hải còn nói dự thảo quy chế quản lý trò chơi trực tuyến sẽ được bổ sung một chương về trò chơi không trực tuyến (chương này sẽ do Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch bổ sung) để ban hành quy chế chung, bao gồm cả game trực tuyến và không trực tuyến. Dự kiến trong tháng 8 sẽ trình Chính phủ để sớm ban hành quy chế này.
Về lâu dài, theo ông Hải, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp kết luận phải đề xuất với Chính phủ để Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho xây dựng Luật về an toàn thông tin trên mạng nhằm điều chỉnh toàn bộ hoạt động cung cấp nội dung thông tin trên mạng Internet. Bộ Thông tin - truyền thông đang xây dựng đề án thành lập Cục An toàn thông tin để thực thi trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng. Cuối cùng là hợp tác với Tổ chức An ninh thông tin mạng quốc tế để tham gia cộng đồng an ninh mạng đa quốc gia.
Theo ông Lưu Vũ Hải, trong giải pháp lâu dài còn có giải pháp về phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về chứng minh nhân dân điện tử. Giải pháp này không những giúp quản lý trò chơi trực tuyến mà còn giúp quản lý nhiều dịch vụ khác, trong đó có một dịch vụ là thuê bao di động trả trước.
Sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cho CMT điện tử.
Tại cuộc họp, Cục Quản lý phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng đánh giá những lợi ích và tác hại của trò chơi trực tuyến. Về mặt tác hại, theo ông Hải, bất kỳ trò chơi nào khi chơi nhiều quá sẽ tốn thời gian, ảnh hưởng sức khỏe và có thể nghiện chơi điện tử.
Trò chơi trực tuyến còn đòi hỏi có chi phí trong khi đối tượng chơi chủ yếu hiện nay là thanh thiếu niên chưa có thu nhập, nếu quá ham mê mà cha mẹ không đáp ứng được dễ dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp... Ngoài ra, các trò chơi có nội dung xấu sẽ ảnh hưởng đến nhân cách theo chiều hướng tiêu cực.
Do đó, về mặt quản lý, cục đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến xem xét, tiết giảm các hình ảnh, hành vi đối kháng... Khi quy chế mới được ban hành sẽ tổ chức lại hội đồng thẩm định nội dung kịch bản trò chơi trực tuyến với vị trí pháp lý cao hơn, hội đồng sẽ là người của Bộ Thông tin - truyền thông nhưng có sự tham gia của nhiều bộ ngành.
Ông Hải xác nhận đã bỏ yêu cầu doanh nghiệp tắt máy chủ sau 23g vì khi đưa nội dung này ra có nhiều ý kiến phản ứng.
Sẽ tổ chức lại hội đồng thẩm định GO.
Chiều tối cùng ngày, ông Nguyễn Thành Tài - phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM - chủ trì họp cùng các sở, ngành TP.HCM về tăng cường quản lý, xử lý nội dung bạo lực, khiêu dâm, kích dục... có trong nhiều trò chơi trực tuyến đang được cung cấp cho hàng triệu người chơi.
Theo ông Lê Mạnh Hà - giám đốc Sở Thông tin - truyền thông TP.HCM, UBND TP.HCM đã yêu cầu sở nhanh chóng có biện pháp xử lý kiên quyết các nội dung bạo lực có trong nhiều trò chơi trực tuyến mà trước đó đã được báo cáo với HĐND TP.HCM.
Ông Hà cho biết đến nay đã có 8 trong số 15 doanh nghiệp kinh doanh trò chơi trực tuyến gửi báo cáo các hành vi bạo lực trong nội dung của game. Tuy nhiên, một số báo cáo không đúng yêu cầu, còn né tránh... nên sở tiếp tục yêu cầu báo cáo bổ sung. Ngoài ra ngày 27-7, sở có văn bản gửi các doanh nghiệp yêu cầu căn cứ vào tổng số hành vi bạo lực, mức độ bạo lực... tự đánh giá nội dung của từng trò chơi trực tuyến phù hợp với lứa tuổi nào của người chơi game.
Dứt khoát không duy trì GO có nội dung bạo lực.
Quan điểm của lãnh đạo UBND TP.HCM đồng tình với nhiều kiến nghị dứt khoát không duy trì trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực, tác động xấu đến môi trường văn hóa, nhân cách, hành vi của người chơi game, nhất là giới trẻ. Trước mắt phải kiên quyết xử lý các vi phạm, không cho phát triển những trò chơi trực tuyến có nội dung bạo lực.
“Cũng phải mạnh tay xử lý giống như xử lý ô nhiễm môi trường vì trò chơi trực tuyến bạo lực gây “ô nhiễm” văn hóa” - nhiều ý kiến kiến nghị.