"Tôi không muốn nói hay nhận xét thêm về những lời phán xét dành cho game online nữa, giờ đây tôi cảm thấy bất lực thực sự", đó là lời bộc bạch của nhiều gamer trong nước vài ngày qua.
Có thể nói, từ khi trò chơi trực tuyến ra đời tại Việt Nam đến nay, chưa bao giờ loại hình giải trí này lại đứng trước sóng gió mạnh như hiện tại. Ngay cả đợt "đánh game online" cách đây hơn 3 năm từng làm xã hội xôn xao cũng không được các chương trình truyền hình quan trọng như thời sự liên tục đưa tin như hiện tại.
Gamer hoang mang khi các phương tiện truyền thông đưa tin liên tục về tác hại của GO.
Việc các phương tiện truyền thông trong nước đột ngột quay trở lại phản ánh tác hại của game online trước thời điểm Dự thảo mới về quản lý trò chơi trực tuyến sắp trình lên chính phủ xem xét đang khiến cộng đồng gamer Việt hoang mang thực sự. Nhiều người bắt đầu nghĩ tới khả năng xấu nhất có thể xảy ra: tất cả các MMO có dính tới vấn đề bắn nhau, chém giết sẽ bị siết chặt hoặc đóng cửa.
Theo thống kê mới nhất tại TP Hồ Chí Minh, có 43 trò chơi (chiếm 66%) mang tính bạo lực, cờ bạc, khiêu dâm, kích dục, gây nghiện... Dù hiếm người chơi nào có thể đưa ra được danh tính game online có chứa yếu tố "khiêu dâm", "kích dục", nhưng họ cũng hiểu rằng ngoài các sản phẩm casual ra, gần như toàn bộ MMORPG và tất cả các MMOFPS đều nằm trong số đó.
Không chỉ game bắn súng, tương lai của MMORPG cũng rất mịt mù.
"Mình từng mong đợi có thêm một game bắn súng với lối chơi cũng như đồ họa vượt trội như A.V.A về nước, nhưng giờ thì chắc chắn là chuyện đó không thể trở thành sự thật, đó là chưa kể tới chuyện các MMORPG cũng có thể bị ngừng vận hành", một game thủ tâm sự.
Suốt từ khi các tờ báo điện tử và nay là chương trình thời sự đưa tin về các vụ việc đau xót liên quan tới trò chơi trực tuyến, chủ đề cấm hay không cấm game online gần như xuất hiện trên tất cả những diễn đàn game trong nước. Các thành viên tham gia có người ủng hộ, có người nghi ngờ nhưng tựu chung lại đa phần đều lo lắng trước tương lai ngành công nghiệp này.
Cấm game, ngành CNTT liệu có thụt lùi?
Sự lo lắng ấy không đơn thuần chỉ là "sợ không có cái để chơi", mà còn là băn khoăn của nhiều cá nhân về sự tụt lùi của ngành CNTT nước nhà, nhất là khi các cường quốc trên thế giới đều coi game là một trong những bàn đạp quan trọng trong tiến trình phát triển của công nghệ số.
"Nếu nói tới sự liên quan mà game online đã mang lại, chúng ta có thể thấy rõ rằng từ khi game online đầu tiên mở cửa ở VN, sự phát triển không ngừng của CNTT cũng bắt đầu! Sự đam mê công nghê của các nhà lập trình, các chuyên viên bắt đầu từ game, cụ thể là game online", anh Phương Triệu ngụ tại Tuyên Quang góp ý về Dự thảo mới.
Hơn nữa, không thể phủ nhận tác dụng của game online trong việc hạn chế những loại hình giải trí độc hại khác đang tồn tại đầy rẫy ngoài xã hội như đua xe, cờ bạc, ma túy... Giới trẻ Việt đang thực sự thiếu một sân chơi lành mạnh, nhất là khi các khu vui chơi gần như mất hút giữa chốn thị thành, nếu không chơi game thì rất có thể họ sẽ tìm tới các "món ăn lạ" khác.
Giới trẻ tìm tới game chủ yếu vì không có sân chơi nào khác.
Trên thực tế, việc số lượng thanh niên coi game online là món ăn không thể thiếu chính là vì họ không tìm thấy cách giải trí nào khả dĩ ngoài đời thực. Chắc hẳn không ít người đã quen thuộc với hình ảnh lớp trẻ phải đá bóng dưới lòng đường, trên vỉa hè thành phố bất chấp nguy hiểm, nay họ tìm thấy thú vui trong thế giới ảo an toàn cũng là hệ quả tất yếu.
"Siết chặt game online thì không khó, vì đã là luật thì ai cũng phải chấp hành, thế nhưng sau khi thôi chơi game giới trẻ biết giải trí bằng gì đây, ở nông thôn còn có sân bãi để đá bóng, còn thành phố thì nội việc đi thuê sân đã tốn tiền mà lúc nào cũng hết lượt đăng ký", một game thủ đang sống tại Hà Nội tâm sự.
Không chỉ hoang mang về khả năng giới trẻ sẽ tìm tới các loại hình giải trí kém lành mạnh, mối lo xung quanh vấn đề chơi game online tại server nước ngoài cũng dấy lên. Rõ ràng sau khi bị cấm đoán trong nước, gamer sẽ tìm tới các máy chủ nước ngoài hoặc private, nơi họ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ an toàn nào.
Các MMO 18+ đầy rẫy tại server nước ngoài, hiểm họa lớn nếu gamer VN tìm tới chúng.
Đó là chưa kể tới việc, các MMO 18+ được phát hành ngày càng nhiều tại nước ngoài, liệu ai có thể chắc chắn rằng chúng sẽ không là điểm dừng chân kế tiếp của người chơi dưới tuổi vị thành niên tại Việt Nam?
"Nếu GO trong nước bị cấm, chắc chắn giới trẻ sẽ ra các server nước ngoài để chơi, như vậy nguồn tiền trong nước cung ứng ra nước ngoài sẽ tăng cao, nước nhà không được lợi gì mà hiệu quả của các quy định mới cũng vô tác dụng", không khó để tìm thấy những phản ánh tương tự thời gian qua.
Một mối lo nữa cũng đang thường trực là số lượng việc làm mà thị trường trực tuyến tạo dựng được sau nhiều năm qua mất đi, chắc chắn sẽ có hàng vài nghìn người lâm vào cảnh mất việc. Rất nhiều bạn trẻ đam mê công nghệ đã tìm được bến bờ thích hợp cho mình tại các NPH, hoặc chỉ đơn giản là tìm thêm kinh nghiệm trước khi bươn chải ra ngoài đời, họ sẽ ra sao sau này?
Vẫn chưa ai thống kê được những hệ lụy sau khi game online bị cấm đoán.
Phải biết rằng siết chặt một ngành công nghiệp đã thực sự lớn mạnh sau hơn 6, 7 năm phát triển và bám gốc rễ sâu sắc vào xã hội là điều không hề dễ dàng, những hệ lụy sau này vẫn chưa được thống kê đầy đủ vì thực tế chưa có quốc gia nào trên thế giới khắc nghiệt với game online như vậy trước đây để chúng ta rút kinh nghiệm.
Hi vọng trong thời gian tới, xã hội sẽ bớt đi những cái nhìn phiến diện về trò chơi nói chung và trò chơi trực tuyến nói riêng, cả một cộng đồng gamer lên tới hàng trăm ngàn người đang ngày ngày trông đợi vào viễn cảnh ấy.