Dân Úc khoái xài tiếng lóng và xài một cách triệt để. Ngay cả từ "lóng" (slang), họ cũng nói lóng là "strine". Tất cả chỉ nhằm thể hiện tinh thần dân tộc, tính "Úc rặt" trong đó.


"G'Day, mate!" là câu chào thân thiện rất ư "chuột túi" của dân Miệt Dưới (Down Under).
Từ G'Day (phát âm gidday) là tiếng lóng của Úc, viết tắt từ "Good Day", là cách chào (tương tự như "Hello" hay "Hi") của người dân Úc trong giao tiếp hằng ngày.

Từ "mate" cũng là tiếng lóng tuốt. Trong tự điển tiếng Anh, "mate" có nghĩa là friend (bạn) nhưng với dân Úc thì "mate" là từ gần gũi trong cách xưng hô với đối tượng mình đang trò chuyện. Hầu như câu nào, dân Úc cũng "đệm" thêm từ "mate" cả: "How ya goin mate?" (How are you going mate?), "Good-on-yer mate!" (Good on you, mate), "You right mate" (You are right, mate), "Thanks, mate", "No worries, mate"...

Lý do dễ hiểu là họ muốn tiếng Anh ở Úc mang một phong thái riêng, "không đụng hàng" với tiếng Anh ở các nước khác. Đó là cách họ thể hiện tinh thần dân tộc, tính "Úc rặt" trong đó. Chỉ chữ "rặt" thôi cũng có hàng loạt từ lóng rồi: dinkie-di, fair dinkum, ridgy didge và thông dụng nhất là "true blue" (những từ này đều có nghĩa là "thật, chính thống"). Nói mình là "true blue Ozzie" tức là tự nhận mình là dân Úc thòi lòi chính hiệu con Chuột túi đấy.

Người Úc còn nói lóng cả tên nước của mình. Từ "Australia", họ nói tắt là "Aussie" (phát âm là Oz-ee) hay "Ozzie", thậm chí là "OZ". Trong các thế vận hội hay những trận thi đấu thể thao quốc tế, bạn thường nghe một cổ đông viên Úc cuồng nhiệt nào đó hô to "Aussie, Aussie, Aussie", lập tức đám đông sẽ đồng thanh (tương ứng) đáp lại "oi, oi, oi". Đó là cách cổ vũ "gà nhà" của dân Xứ Chuột túi (phải gọi,,, Chuột Nhà chứ!). Từ "Oi" (hay Oy) dùng để tạo sự chú ý của người khác, giống như cách gọi "Ê, ơi" của tiếng Việt. "Oi" còn có nghĩa tương đương như một câu chào "Hello". Nguồn gốc của câu "Aussie Aussie Aussie Oi Oi Oi" này còn đang gặp rất nhiều tranh cãi (ai cũng tự nhận là của mình "phát minh" ra).

Cụm từ ấy được phổ biến rộng rãi nhất vào Thế vận hội năm 2000, tổ chức ở thành phố Sydney, Úc. Năm 2004, một cặp vợ chồng ở thành phố Melbourne, với tinh thần "người Úc dùng hàng Úc", đã chịu chơi chịu chi ra 5.000 đô-la Úc để mua đứt "thương hiệu" cho câu "Aussie Aussie Aussie Oi Oi Oi" cho dân Úc, nhằm ngăn ngừa... người nước ngoài lạm dụng nó trên thương trường. Hiện nay, câu này không chỉ là "thương hiệu" của các cỗ động viên Úc mà còn là câu dân Úc dùng trong các dịp hội hè đình đám để chúc tụng, ca ngợi "đẹp vô cùng đất nước ta ơi" của họ.

Tiếng lóng kiểu "Chuột túi" AussieLingo
Hàng loạt tiếng lóng kiểu Chuột túi!
Người Úc được cho là "hơi bị" lười trong khi nói, vì cái chi họ cũng nói tắt (cho lẹ) cả. Những từ nào có khoảng ba âm (syllables) trở lên là họ liền "chặt" bớt phân nửathêm nguyên âm "o" hay "ie" (hoặc "y"), để tạo thành một từ (lóng) mới.

Ví dụ, "afternoon" (buổi chiều") được rút gọn thành "arvo", "ambulance" (xe cứu thương) thành "ambo", "television" (tivi) thành "telly", Christmas (giáng sinh) thành "Chrissie", "Australian" (người Úc) thành "Ozzies" (có chữ s ở cuối để phân biệt với chữ Ozzie, nước Úc), thành phố "Brisbane" thành "Brizzie", tiểu bang "Tasmania" thành "Tassie", "kangaroo" (chuột túi) thành "roo".

Cách nói "nhanh, gọn, lẹ" ấy chính là "cẩm nang" để giúp bạn nhận ra tiếng lóng Úc.
Cách ghép nguyên âm "o" hay "ie" (hoặc "y") còn là cách để dân Úc biểu lộ tình cảm "szương mến szương" với "người yêu vấu" của họ. Họ gọi "cục cưng" là "sweetie" thay vì "sweet heart", gọi OX (ông xã đấy, giời ạ, đừng đảo lộn thành rượu XO) là... "hubby" thay vì "husband", vv...và...vv. Nếu thân thiết gần gũi, họ sẽ "cho không biếu không" chữ "o", "ie" hay "zza" vào ngay sau tên cúng cơm của bạn. David thành Davo, Jane thành Jannie, Sharon thành Shazza.

Người Việt ở Úc cũng bắt chước (nhập gia tùy tục mà lị) khi gọi tên người thân bạn bè của mình: chẳng hạn chữ Linh sẽ thành Linnie, Trân thành Trannie, Lâm thành Lammo, Hùng thành Hungie... Nghe... "kute" quá phải hông các bạn?

Người Úc dùng "hình tượng" (image) để "lóng hóa"
khi diễn đạt một điều gì đó cho thật "ấn tượng". Vì thế, nếu họ nói lóng câu nào đó mà bạn "hiểu được chít liền" thì bạn cố gắng hình dung rồi tưởng tượng như... tưởng voi thì sẽ ra ngay. Ví dụ, người Úc bảo là bạn đang "pull your head in" (pull in = kéo vào, head = cái đầu), nghĩa là nói bạn đang chõ mõ (bàn cãi) vấn đề gì đó mà lẽ ra bạn phải im lặng (là vàng). Nếu họ nói "have a bash" có nghĩa là kêu bạn "thử đi cho biết" (have a try) chứ hỏng phải kêu bạn "dộng một cái đi" (bash là "dộng, đấm").

Tiếng lóng kiểu "Chuột túi" Dieu_Linh_1
Tác giả Diệu Linh: Học và hiểu tiếng lóng Úc sẽ rất có ích
cho bạn trong việc hội nhập
hay gần gũi với người Úc.

Dân Úc có cả một Tự điển tiếng lóng rất "hoành tráng" mà bạn sẽ lóng... ngóng khi bắt đầu nghiên cứu. Này nhé, "Chuck a sickie" là "xin nghỉ bịnh" khi bạn chỉ bị bịn(h) rịn, hay bịnh làm biếng thôi. "Have a barbie" là ăn Barbecue (BBQ - loại thịt nướng un bằng khói than hồng, món ăn dã ngoại rất phổ biến ở Úc), chứ "barbie" hỏng phải là "búp bê không tình yêu" như bài hát "I'm a baribe girl, in a barile world" đâu nhá. "Holy dooley!" là "trời đất ơi" (Oh my god!), "Want a cuppa?" là hỏi bạn "muốn uống trà hay cà phê không?" (cup of tea or coffee), "go to the Loo" là đi nhà vệ sinh, "tata" là cám ơn (thank you), cheerio là tạm biệt (good bye),...

Nếu bạn gặp phải một người Úc rặt nói tiếng lóng thì bạn chỉ có nước "bó tay" luôn, vì họ nói nhanh như gió và nói bằng giọng địa phương đặc sệt
. Được cái là nếu bạn hỏng hiểu "mô tê răng rứa" chi cả thì bạn cứ nhờ họ "dịch" lại nghĩa, họ sẽ rất tận tình giải thích và vui vẻ nói "no worries, mate" (cũng là tiếng lóng có nghĩa "hỏng sao, chiện nhỏ như con thỏ!").

Bạn là khách du lịch, di dân, du học sinh đến nước Úc, học và hiểu tiếng lóng Úc sẽ rất có ích cho bạn trong việc hội nhập hay gần gũi với người Úc. Những từ lóng thông thường rất dễ học và nhớ. Bạn ở Úc môt thời gian sẽ tự động nói tiếng lóng hồi nào hỏng hay (mà đôi khi còn tưởng là mình đang nói tiếng Anh chính thống nữa chứ).

Tuy vậy, có một số từ/ngữ lóng, bạn phải biết dùng trong đúng trường hợp, hoàn cảnh và nhất là phải phát âm cho chuẩn (dĩ nhiên là giọng địa phương), bởi vì cho dù bạn nói tiếng Anh "sành điệu" đến đâu đi chăng nữa khi nhại tiếng lóng Úc, dân Úc rặt chắc chắn sẽ phát hiện ra ngay. Và dĩ nhiên điều này rất phản cảm với họ, bởi vì... "chửi cha không bằng pha tiếng".