Đã từ lâu, VTC Game luôn nằm trong top "tứ trụ" của các NPH GO Việt Nam, không mạnh về mảng MMORPG như VNG nhưng doanh nghiệp này luôn đứng đầu về doanh thu của mảng MMOFPS, Casual và Thể thao. Nói không ngoa, nếu như có câu nói "Bắc Kiều Phong - Nam Mộ Dung" trong TLBB thì tại Việt Nam, "Bắc VTC - Nam VNG" cũng là vế đối khá cân xứng.
Lần trước, chúng ta đã có dịp thăm quan VNG, lần này, hãy cùng đột nhập trụ sở NPH đứng đầu miền Bắc để xem không khí làm việc tại đây như thế nào.
Tòa nhà 18 Tam trinh, trụ sở VTC Game.
Điều đầu tiên phải nói tới là vị trí tọa lạc của NPH này khá đẹp và hoành tráng, cụ thể, tòa nhà số 18 Tam Trinh (trụ sở mới kể từ đầu năm 2010, trước đây nằm ở phố Lạc Trung, HBT, Hà Nội) có lối thiết kế chuyên nghiệp và nêu bật lên phong thái của một doanh nghiệp lớn tại Việt Nam.
Hiện tại, tòa nhà này vẫn đang được thi công những bước cuối cùng, tuy nhiên khu văn phòng bên trong đã hoàn tất 99%.
Bàn lễ tân tại tầng truyền thông.
Nơi chúng tôi ghé qua đầu tiên là tầng 6 - nơi tập trung của khu vực Truyền thông cũng như vận hành game. Do tòa nhà có nhiều tầng nên việc lên xuống hoàn toàn được hỗ trợ thang máy. Người mới đến đều phải khai báo cụ thể tên tuổi, mục đích tới làm việc nếu không có thẻ nhân viên.
Tất cả các tầng đều được bảo vệ nghiêm ngặt.
Quá trình làm thủ tục để được vào bên trong khu làm việc rất chi tiết, mặc dù là phóng viên thì bạn vẫn phải trình giấy CMT, muốn vào gặp ai, làm việc gì... Sau đó bảo vệ sẽ trao một tấm thẻ vào cửa, đây là bước bắt buộc để đảm bảo không bị lộ thông tin mật ra ngoài.
Quang cảnh một góc của phòng Truyền thông.
Không khí làm việc rất nghiêm túc và khẩn trương.
Thiết kế bên trong khu làm việc khá rộng rãi, không gian thoáng đãng. Từng team phụ trách sản phẩm được phân bổ theo những khu vực gần nhau để tiện làm việc. Dĩ nhiên, việc trao đổi hoặc bàn bạc công việc hoàn toàn tự do thoải mái.
Được biết, giờ giấc làm việc tại đây cũng khá nghiêm ngặt, toàn bộ nhân viên phải có mặt trong khoảng từ 8h-8h15 sáng hàng ngày và có đơn vị điểm danh. Dĩ nhiên, không phải lúc nào phòng cũng đầy đủ người vì lịch công tác tại các tỉnh thành khá dày đặc.
Góc làm việc của một nhân viên phòng truyền thông.
Một team đang trao đổi công việc.
Bên cạnh khu truyền thông là nơi làm việc của ban điều hành các sản phẩm do VTC Game phát hành. Nơi đây chủ yếu tập trung các nam nhân viên với chuyên môn cao. Từng team phụ trách game cũng được phân bổ riêng lẻ và không khí làm việc căng thẳng hơn hẳn so với các phòng ban khác tại công ty.
Khu vực điều hành Đột Kích...
... và FIFA Online 2.
Đặc biệt, khu vực điều hành game được bảo mật rất cao, để có thể xâm nhập và chụp ảnh, chúng tôi phải khá vất vả. Trên màn hình từng nhân viên tại đây hầu hết đều dày đặc các con số thống kê, được biết, không ít lần họ làm việc thâu đêm để đảm bảo fix các lỗi nghiêm trọng xuất hiện trong phiên bản mới.
Cũng không thể bỏ qua một căn phòng khá quan trọng khác, đó là phòng test sản phẩm. Căn phòng này được nằm biệt lập ngăn cách bằng cửa kính cách âm dành cho các tester hoặc game thủ tới thử nghiệm game mới.
Phòng thử nghiệm sản phẩm.
Thông thường, nếu có phóng viên tới test game mới, họ sẽ được mời vào gian phòng này để đảm bảo không có ai khác bên ngoài biết được nội dung của cuộc thử nghiệm. Cũng có trường hợp một số clan game thủ lớn tới đây khi NPH muốn giới thiệu tính năng mới sắp update, trong trường hợp đó thì việc bảo mật được nới lỏng hơn.
Ngoài ra, văn phòng cũng có một phòng họp riêng dành cho nhân viên trong công ty hoặc là nơi họp mặt, trao thưởng event cho game thủ. Thông thường nếu bạn đã từng tham gia một buổi trưng cầu ý kiến các clan thì có thể đã biết tới nơi này.
GM phía VTC Game đang trình chiếu nội dung game.
Game thủ được mời tới buổi giới thiệu tính năng.
Một buổi họp mặt đại diện các clan tại phòng họp lớn.
Đó là khu vực làm việc chính, ngoài ra, tầng 3 của tòa nhà là nơi để các nhân viên giải trí sau giờ làm việc căng thẳng với sự xuất hiện của căng tin (phục vụ nước uống, ăn nhẹ) và nhà ăn (phục vụ bữa trưa). Nếu cảm thấy cần phải trao đổi công việc với đối tác, họ có thể xin phép xuống khu vực này trong khoảng thời gian không quá dài.
Được biết, khu vực căng tin vẫn tính phí đồ uống như bình thường (với giá phải chăng), còn tại nhà ăn, nhân viên được phục vụ miễn phí hoàn toàn. Dĩ nhiên, người nào muốn ra ngoài ăn trưa tự túc cũng thoải mái, miễn là quay trở lại trước giờ làm việc buổi chiều.
Khu vực nhà ăn (còn khá vắng vẻ do đang trong giờ làm việc).
Căng tin - nơi giải tỏa căng thẳng của nhân viên.
Điều gây ấn tượng lớn nhất ở khu vực này là phong cách thiết kế phòng ốc khá đẹp mắt, thoạt nhìn giống như một nhà hàng nào đó chứ không phải là "quán bar" của doanh nghiệp. Tại đây cũng có khu vực để tổ chức các sự kiện hoặc ca múa nhạc...
Một khoảng rộng tại khu vực căng tin được dành cho các hoạt động cộng đồng.
Điểm dừng chân cuối cùng của chúng tôi là tầng 5, nơi trú ngụ của khu vực chăm sóc khách hàng. Có lẽ nếu bạn đã từng tới VTC Game để thắc mắc về một vấn đề nào đó như mất tài khoản, khôi phục thông tin nhân vật... thì đã quá quen thuộc với nơi này.
Khu vực tiếp nhận thắc mắc của game thủ.
Hệ thống phòng riêng dành cho việc tư vấn khách hàng (phía sau bàn lễ tân).
Điều khá thú vị tại đây là VTC Game có trang bị những phòng riêng dành cho khách hàng ngồi đợi hoặc trao đổi, tư vấn với GM. Trình tự thông thường là ban đầu gamer trình bày vấn đề, sau đó hệ thống sẽ thông báo tới đơn vị chuyên trách để cử người phụ trách kỹ thuật tới giải quyết.
VTC Care với nhiệm vụ tư vấn cho khách hàng.
Do thời gian không dài và những lý do bảo mật riêng, vì thế một số khu vực đặc biệt không cho phép lên hình. Thế nhưng với những chi tiết trên, chắc hẳn cũng đủ để thỏa mãn trí tò mò về nơi làm việc tại "cấm thành" VTC Game. Hẹn gặp lại các bạn lần sau với một NPH cũng thuộc nhóm "tứ trụ" tại Việt Nam.