(Game8) - Bằng những bài báo bóp méo sự thật, một chiều và “ăn theo” sự kiện, báo chí đã góp một phần lớn cho cuộc khủng hoảng game online đang diễn ra hiện nay.
Báo chí góp phần gây nên khủng hoảng game online ? 20100914-baochi-01
Đầu tiên phải thừa nhận báo chí đã góp một phần quan trọng trong việc chuyển tải thông tin đa chiều từ các chuyên gia, nhà quản lý trong nước về công tác quản lý game online cũng như cung cấp những diễn biến nóng nhất trong các hoạt động quản lý của cơ quan chức năng. Tuy nhiên bên cạnh đó có không ít những bài báo vô tình hay hữu ý dùng các tiểu xảo trong bài viết để bóp méo sự thật và tạo một hiểu lầm lớn về tính chất của game nói chung và game online nói riêng.

Báo chí góp phần gây nên khủng hoảng game online ? 20100914-baochi-02
Báo chí cần biến mình thành một hành lang minh bạch và khách quan.

Đầu tiên là những bài viết một chiều đã gây nên cái nhìn ác cảm của xã hội về game online. Những bài viết về tội phạm có liên quan đến chơi game online và những điển hình bị ảnh hưởng xấu từ game online được các tờ báo từ báo giấy đến báo điện tử khai thác triệt để. Ngược lại, các điển hình về cá nhân xuất sắc bước ra từ giới game online hay các lời khuyên, kinh nghiệm để giữ cuộc sống ổn định cho game thủ lại hầu như chỉ được các báo chuyên về game đăng tải.

Điều này tạo ra một sự thật méo mó là các tờ báo xã hội tuyên truyền ra xã hội những cái xấu nhất của game online nhưng những lời khuyên những gương tốt thì … không đưa. Từ đó xã hội không có được cái nhìn đa chiều mà thay vào đó là cái nhìn phiến diện do các bài báo này gây ra.

Tiếp tay cho trào lưu này là những bài báo “ăn theo” phân tích về tính chất của game online và cả offline được viết vội vàng bằng những kiến thức vô cùng hời hợt về game nhưng lại không thiếu các tiểu xảo về viết lách để thuyết phục xã hội vốn thiếu thông tin về game nay lại bước vào một hiểu lầm mới sâu hơn và nặng hơn. Những bài viết này vô tình hoặc cố ý nói sai đi những tính chất – ý nghĩa của game biến game từ tốt thành xấu và cung cấp kiến thức lệch lạc về game cho người đọc.

Báo chí góp phần gây nên khủng hoảng game online ? 20100914-baochi-03
Đạo đức nghề báo không cho nói sai sự thật để thu hút đọc giả.

Gần đây có một bài viết cho rằng game offline đều mang tính chất bạo lực và thậm chí cả phản động. Tác giả lấy dẫn chứng về tựa game Call of Duty: Black Ops và gán cho nó “bối cảnh Việt Nam, người chơi thoải mái tàn sát giết chóc”. Nhưng nhìn lại thì đây là tựa game duy nhất gây chú ý có liên quan đến Việt Nam trong … 6 năm nay, kể từ khi game gây tranh cãi Battlefield Vietnam ra đời. Tất nhiên tác giả bài báo kia không cho người đọc biết chi tiết này để tạo một ấn tượng cho người xem rằng “còn nhiều tựa game như vậy nữa”.

Mặt khác, tựa game Call of Duty: Black Ops … chưa được sản xuất, nó ra đời vào tháng 11 năm nay vậy dựa vào đâu tác giả nói người ta có thể giết chóc thoải mái trong game ? Tựa game này cũng không lấy bối cảnh chính ở Việt Nam vì nó phản ánh thời kỳ chiến tranh lạnh và các hoạt động của quân đội Mỹ tại Cuba, Triều Tiên, Việt Nam và nhiều nơi khác nữa. Những điều này đã bị giấu đi để bóp méo một phần sự thật hướng người đọc theo ý mà tác giả muốn hơn là phản ánh đúng sự thật.

Ngoài ra còn rất nhiều bài báo nữa cũng viết theo tiểu xảo “xấu lấy tốt bỏ” như thế này, các bài phản ánh mặt trái game online khi phỏng vấn các trường hợp tất nhiên người viết sẽ lấy những trường hợp bị thiệt hại còn những trường hợp phát triển tích cực nhờ game online lại bị bỏ đi.

Báo chí góp phần gây nên khủng hoảng game online ? 20100914-baochi-04
Cần lắm, những ngòi bút khách quan không vụ lợi.

Có thể nói với những bài viết theo kiểu thông tin lệch lạc nói trên đã góp phần không nhỏ làm cho xã hội có những cái nhìn sai lầm về tính chất của game từ đó dẫn đến những phản ứng quá mức cần thiết và sự hoảng loạn ảo về cái gọi là “nguy cơ từ ma túy số”. Khi mà người ta thấy một cái gì đó có quá nhiều cái xấu so với cái tốt thì tất nhiên người ta sẽ cấm nó không thương tiếc. Tuy nhiên có thật sự game xấu như vậy ? Hay đó là hậu quả của những bài báo không truyền tải đúng sự thật gây ra ? Chúng ta đều biết rõ câu trả lời.

Tuy nhiên, thật buồn là những bài báo như vậy vẫn thản nhiên hiển hiện trên mặt các tờ báo từ báo giấy đến các báo điện tử, chúng đang ngày ngày tiêm những khái niệm sai lệch về game vào người đọc ở khắp nơi. Câu hỏi về cái tâm của nhà báo khi viết về một vấn đề mà mình vẫn còn chưa hiểu rõ và không theo sát sự thật để gây nên hậu quả xấu vẫn còn để ngỏ.

Monster_VNFS