... Internet không giảm giá, MU Online không bị lộ mã nguồn, VNG không mua được VLTK, VTC Game không đánh vào mảng casual, Asiasoft trung thành với Gunbound?
Sau hơn 7 năm tồn tại, sự phát triển của nền GO nước nhà nhanh thần tốc một phần cũng nhờ những quyết định mang tính chất lịch sử từ phía các NPH lẫn nhiều yếu tố đổi thay tất yếu bên ngoài. Hãy cùng lật ngược lại từng vấn đề xem liệu nếu chúng không xảy ra thì lúc này, số phận trò chơi trực tuyến tại VN đã đi về phương nào.
Internet không giảm giá cước
Có thể nói, game online cập bến Việt Nam năm 2003 mà không phải sớm hơn (dù internet có từ năm 1997) chính là vì trước đó, giá cước cho loại hình dịch vụ này quá lớn. Trong khoảng từ năm 97 - 2002, internet vẫn còn quá xa vời với người dùng bình dân, nó chỉ được một nhóm nhỏ sử dụng dưới dạng dial-up vừa tốn kém vừa chậm chạp.
Thế nhưng đúng vào năm 2003 khi ADSL xuất hiện cũng là lúc giá cước sử dụng giảm xuống ngang với các quốc gia trong khu vực, thậm chí có khung cước còn rẻ hơn. Đây là bước ngoặt lớn khiến khách hàng thuê bao tăng đột biến. Ngẫm lại, lúc bấy giờ nếu không có các quy định cho phép giảm giá, doanh nghiệp tự định giá cước thì sẽ kéo theo không biết bao nhiêu thay đổi sau này.
Thay đổi dễ nhận thấy nhất là có thể các tựa game đời đầu như VLTK, MU Online, PTV... sẽ không được chọn mua về VN (vì chỉ chậm khoảng 2 năm là chúng đã cũ kỹ về mặt đồ họa và bị lép vế bởi các game mới hơn). Dấu mốc đầu tiên bao giờ cũng quan trọng và nó quyết định cả tư duy giới gamer sau này.
Thậm chí điều này còn ảnh hưởng tới cả số phận của nhiều NPH như VNG có thể không được thành lập, Asiasoft không nhảy vào thị trường Việt Nam...
MU Online không bị lộ mã nguồn
Có thể nói, 90% nguyên nhân dẫn tới việc MU Online được ưa chuộng tại VN thời sơ khai là vì mã nguồn của nó bị hack và các server lậu mọc lên như nấm. Rõ ràng game thủ trong nước lúc bấy giờ vẫn còn khá khó khăn để có thể tiếp cận với phiên bản chính thức, và việc MU Trung Quốc, MU Trống Đồng... mọc lên như nấm khiến họ có cơ hội trải nghiệm thoải mái.
Ngẫm lại, nếu MU không bị xâm phạm bản quyền như vậy thì có lẽ phong trào chơi game online năm 2003 đã không rầm rộ đến thế, các doanh nghiệp cũng chưa thể thấy được tiềm năng của loại hình giải trí mới. Dĩ nhiên trước sau gì thì trò chơi trực tuyến cũng phát triển rầm rộ nhưng chuyện này có thể khiến nó chậm đi 1, 2 năm chưa biết chừng.
Actoz đồng ý bán Project A3 cho VNG
Như trong bài viết tiết lộ về chặng đường mua VLTK của ông Lê Hồng Minh - Tổng GĐ VNG, lúc đầu ông định mua Project A3 về VN nhưng do NSX Actoz "chảnh" nên mới quay sang thị trường Trung Quốc. Ngẫm lại, nếu lúc đó Actoz đồng ý đặt bút ký hợp đồng thì mọi chuyện đã khác quá nhiều.
Thứ nhất, Project A3 là một game online 3D với cấu hình tương đối khủng so với hạ tầng Việt Nam những năm 2003, chính vì thế nếu về nước nó chắc chắn sẽ thảm bại vì không có hàng net nào kham nổi. Dự án đầu tay của VNG tan tành và số phận của công ty này không biết sẽ ra sao.
Thứ hai, việc Project A3, một GO Hàn Quốc về nước thì cùng với MU, chúng sẽ định hình nên cách chơi hoàn toàn mới đối với cộng đồng game thủ. Sẽ không có cái gọi là auto, ủy thác trong suốt thời gian dài và dù sau này GO Trung Quốc khác có về nước cũng khó sống nổi vì thị hiếu gamer đã được định hình theo hướng mới.
Kéo theo đó, hàng loạt MMO sẽ không rơi vào cảnh bết bát như RAN Online, PTV, Khan Online... Nói chung, bộ mặt ngành game online tại VN sẽ biến dạng hoàn toàn.
VTC Game không khai thác mảng casual
Chẳng phải bỗng nhiên mà NPH miền Bắc lại chọn Audition làm sản phẩm đầu tay, đơn giản vì họ thấy uy thế của VLTK quá mạnh, các MMORPG khác đều bị ra rìa, hơn nữa, khoảng năm 2006 mảng thị trường này còn rất trống trải. Chính Audition đã đưa VTC Game trở thành công vang dội và khiến tất cả các NPH khác (ngay cả VNG) phải ghen tỵ.
Ngẫm lại, nếu lúc bấy giờ họ cũng quyết tâm lao vào mảnh đất nhập vai trực tuyến thì sẽ xảy ra 2 chiều hướng hoàn toàn mới. Đầu tiên là cuộc chiến một mất một còn với VNG và FPT lúc bấy giờ còn rất mạnh với VLTK và MU có thể khiến VTC gặp thất bại nặng nề và suy nghĩ lại về việc bước chân vào ngành này.
Thứ hai, Audition không tồn tại đồng nghĩa với việc cuộc thi Miss Audition không xảy ra, phải biết rằng đây là tiền thân của Miss Teen hiện tại nên rất có thể cuộc thi đình đám này cũng biến mất nốt. Dĩ nhiên các NPH khác cũng có thể mua game nhạc nhảy về nhưng tiềm lực truyền thông của họ sẽ không đủ mạnh để phát triển sự kiện lớn đến vậy.
Asiasoft không đóng cửa Gunbound
Xuất hiện cùng thời điểm với MU và VLTK, Gunbound chưa bao giờ chịu lép vế và luôn có được lượng người chơi cực lớn nhờ phong cách gameplay hoàn toàn mới. Tựa game này đã ăn sâu vào tâm trí gamer Việt như một tượng đài MMO không thể nào quên, tuy nhiên quyết định ngừng vận hành nó vẫn là quyết định gây tranh cãi nhất của Asiasoft.
Chính Gunbound đóng cửa đã dẫn tới việc thể loại casual lâm vào khủng hoảng và tạo cơ hội cho VTC Game khai thác hoàn toàn (lúc bấy giờ AS tập trung cho mảng RPG với TS Online, HKGH...). Nếu lật lại lịch sử, NPH này tiếp tục mua về nhiều MMO casual thì khả năng thành công đã cao hơn rất nhiều.